Kỳ lạ chuyện ăn ngủ với côn trùng suốt mấy năm

Nói về ăn ngủ với côn trùng tưởng chừng như chuyện lạ nhưng điều này là chuyện thông thường với những nhà khoa học của viện nghiên cứu côn trùng TW. Tuy nhiên nhưng nhà khoa học này lại có đồng lương khá hài hước.

Trưởng phòng – Tiến sĩ Trương Xuân Lam - nhận lương cao nhất ở đây là 3 triệu đồng/ tháng. Còn cô kỹ sư Nguyễn Thị Bảy ra trường được hơn một năm, 1,3 triệu đồng. Vậy mà quanh năm họ sống với côn trùng, chỉ trừ mồng 1 Tết.

Công việc tỉ mỉ

Chỉ chúng tôi xem những hộp nhựa nuôi côn trùng, đồ quý giá nhất ở đây, tiến sĩ Lam phấn khởi khoe các anh đã giữ được giống 300 thế hệ ong mắt đỏ, loài côn trùng diệt trứng của sâu tơ trên rau, đậu tương và cây bông,  giữ giống bọ rùa, bọ đuôi kìm, bọ xít bắt mồi, bọ xít nâu… Nhìn con bọ đuôi kìm bé xíu như que tăm, ngắn bằng nửa đốt ngón tay, ong mắt đỏ như hạt đỗ đen có chấm đỏ, đàn ngài gạo bò ngoằn ngoèo trong hộp cám ngô mới thấy sự tỉ mỉ của những người đang chung sống với côn trùng.

“Chúng tôi nuôi con sống, thức ăn phải duy trì 365 ngày/năm với một phòng riêng để nuôi và một cán bộ chuyên trách nuôi côn trùng, có thức ăn chuyên nuôi côn trùng có ích. Mỗi sáng người nuôi côn trùng kết hợp với người cung cấp thức ăn cho nhóm côn trùng có ích bằng thức ăn sống như rệp và ngài gạo, không có thức ăn chế biến sẵn. Ngày nào cũng như ngày nào, không ngừng nghỉ, không dừng lại, chỉ một người dừng các nhóm khác sẽ bị dừng theo, kể cả ngày nghỉ cũng phải có người và một năm chỉ được nghỉ thật sự đúng mồng 1 Tết” – tiến sĩ Trương Xuân Lam tâm sự về công việc tỉ mỉ của những người nuôi côn trùng.

Để giữ giống côn trùng, các nhà khoa học mang vợt ra cánh đồng. Trước đây, có thể tìm côn trùng ở ngoại thành Hà Nội, bây giờ phải đi Mê Linh (Vĩnh Phúc) hoặc Tiên Sơn (Bắc Ninh) vì thuốc trừ diệt sâu hại đã diệt luôn cả nhóm côn trùng có ích.
Nghiên cứu sinh Lê Quang Cường chăm sóc mầm đậu mới gieo. Đậu này được sử dụng để nuôi rệp mà rệp lại là “thực phẩm” của ong mắt đỏ
Nghiên cứu sinh Lê Quang Cường chăm sóc mầm đậu mới gieo. Đậu này được sử dụng để nuôi rệp mà rệp lại là “thực phẩm” của ong mắt đỏ. Ảnh: Tuổi trẻ

Anh Lê Quang Cường – nghiên cứu sinh đang say mê đề tài nuôi ong mắt đỏ - kể cách đây 10-15 năm, ong mắt đỏ, bọ xít bắt mồi cánh đồng nào cũng có, giờ biến mất cả trên những cây trồng chúng ưa thích. Chả thế mà chàng nghiên cứu sinh cứ say mê khi nói về việc chọn giống và lai giống cho… côn trùng: “Chúng tôi chọn cặp bố mẹ tốt nhất cho ghép, thu trứng tốt, bỏ trứng kém và nhân nuôi. Đến thế hệ F3 phải “tráng giống” bằng cách ra đồng thu cá thể mới, tìm những cá thể  khỏe mạnh nhất cho lai, cứ thế giờ đã được 300 thế hệ. Chúng tôi nuôi ba loài bọ rùa, phải phối giống và tráng giống liên tục. Bọ xít bắt mồi một năm tráng giống một lần”.

Câu chuyện của niềm say mê


Lần đầu tôi đến phòng côn trùng học thực nghiệm vào hè 2010. Đó là những ngày Hà Nội nóng như đổ lửa, và ở đây đang nóng với đề tài xuất hiện bọ xít hút máu người.

Chị Vũ Thị Chỉ, phó phòng, ngồi tỉ mẩn những miếng bông được cắt vuông vắn cho vào khay. Chỗ bông này sẽ được tưới dung dịch và gieo đậu hạt, đậu mới nảy mầm được dành cho rệp và rệp lại để nuôi côn trùng. Trời nóng nhưng phòng không có điều hòa nhiệt độ, áo chị Chỉ đẫm mồ hôi. Chẳng hiểu sao các nhà khoa học lại làm việc trong môi trường nóng nực thế này? Tiến sĩ Lam thật vui vẻ chứ không phải “kể khổ”: “Ở đây có hai máy điều hòa nhiệt độ nhưng phải dành cho phòng nuôi côn trùng. Người có thể chịu được nóng nhưng côn trùng thì không. Chúng tôi không dám có nhiều điều hòa vì phòng phải tự trả tiền”.
Tỉ mỉ lưu mẫu côn trùng để nghiên cứu
Tỉ mỉ lưu mẫu côn trùng để nghiên cứu. Ảnh: Tuổi trẻ

Các bạn trẻ vừa rời ghế nhà trường đại học, ai sẽ muốn về làm việc ở môi trường suốt ngày chỉ có côn trùng, phải nuôi rệp, bọ xít, ong thật tỉ mỉ, trong khi mình phải chịu nóng và lương kỹ sư mới ra trường hơn một năm như kỹ sư Nguyễn Thị Bảy, Nguyễn Thị Tú Anh ở đây chỉ 1,3 triệu đồng/tháng?. Thế mà họ lại rất thích, Phòng côn trùng học thực nghiệm có tám người thì đến năm bạn trẻ, họ đến đây tỉ mỉ mang vợt bắt ong, bắt bọ xít về nuôi, nuôi rệp, nuôi ngài gạo phục vụ bọ xít và ong!

“Chỉ phòng chúng tôi có ong mắt đỏ, ngài gạo và nhiều giống côn trùng có ích khác. Tôi mơ ước một ngày chủ động sản xuất được côn trùng có ích, cung cấp miễn phí cho người nông dân trồng rau sạch và không phải nghe chuyện rau nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật nữa” – nghiên cứu sinh Lê Quang Cường chia sẻ.

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét